fbpx
28-10-2024

Bệnh đạo ôn cổ bông trên lúa và cách phòng trị

Bệnh đạo ôn cổ bông lúa là loại bệnh hại do nấm Pyricularia oryzae gây ra. Nó xuất hiện nhiều khi lúa đang ở giai đoạn phát triển tốt. Thường là giai đoạn lúa bén rễ, đẻ nhánh và trỗ lúa. Đạo ôn cổ bông lúa là một trong những bệnh nông nghiệp phổ biến ở các vùng trồng lúa ở Việt Nam, gây thiệt hại nghiêm trọng cho chất lượng và năng xuất vụ mùa. Để giúp bà con nông dân đảm bảo cây lúa sinh trưởng phát triển tốt, hạn chế thiệt hại do sâu bệnh gây ra và đạt năng suất cao. Protect Farm xin chia sẽ bài viết sau:

Nguyên nhân và biểu hiện của bệnh đạo ôn cổ bông lúa

benh dao on

Nguyên nhân gây nên bệnh đạo ôn

Bệnh đạo ôn cổ bông lúa do nấm Pyricularia oryzae gây ra. Loài nấm bệnh này sẽ xâm nhập vào bông lúa thông qua các rạn nứt, vết thương trên lá và cành của bông lúa hoặc từ nguồn nước bị nhiễm bệnh. Bệnh chủ yếu xuất hiện vào thời điểm cây lúa đang phát triển, đẻ nhánh và trỗ bông.

Khi bào tử nấm tiếp xúc với nước hoặc không khí có độ ẩm cao, chúng sẽ kích hoạt quá trình nảy mầm. Bào tử nấm sẽ thâm nhập vào tế bào lá bằng cách hình thành các đĩa áp và xuyên thủng vách tế bào lá cây lúa.

06b0b5864ca3f4fdadb2

Biểu hiện của bệnh đạo ôn cổ bông lúa

Ban đầu, trên lá lúa xuất hiện vết bệnh nhỏ có màu xám nhạt và có màu vàng xung quanh vùng bệnh. Sau một thời gian bệnh phát triển, phần màu vàng đó sẽ chuyển sang màu nâu đen và lan rộng thành hình thoi. Vết bệnh giữa biến thành màu xám tro. Trong trường hợp bệnh nặng, các vết bệnh sẽ liên kết với nhau tạo thành một mảng lớn, gây cháy cả lá và làm cây chết.

Trên thân và cổ bông lúa, vết bệnh có thể xuất hiện một vết nhỏ màu xám, sau đó chuyển thành màu nâu và lan rộng quanh thân, cổ bông. Khi nấm xâm nhiễm mạch dẫn dinh dưỡng, mạch sẽ bị cắt đứt, gây lép cho cả bông lúa. Trên vỏ trấu có những đốm tròn màu nâu cũng là một trong các biểu hiện của bệnh đạo ôn. Nếu không phát hiện sớm và có điều kiện thuận lợi, bệnh có thể nhiễm vào hạt lúa, làm cho hạt bị đen và lép.

Các điều kiện thời tiết như thời tiết âm u, có sương mù, mưa phùn, ẩm ướt kéo dài, nhiệt độ từ 22-26°C, độ ẩm không khí trên 90%, chênh lệch nhiệt độ ngày đêm cao, và việc bón thừa đạm trên những chân ruộng, thiếu kali là điều kiện thuận lợi cho sự phát sinh và phát triển của nấm gây bệnh đạo ôn cổ bông lúa.

Biện pháp phòng ngừa và điều trị bệnh đạo ôn cổ bông lúa

Biện pháp phòng ngừa bệnh đạo ôn

Đầu tiên, nhà nông cần tiến hành cắt đứt nguồn lưu tồn của các tác nhân gây hại từ mùa trước bằng cách làm đất kỹ và loại bỏ tàn dư thực vật. Tiếp theo, quan trọng là lựa chọn giống cây và thực hiện xử lý giống theo lịch trình phù hợp với địa phương, đồng thời điều chỉnh mật độ gieo sạ để đảm bảo sự phát triển tốt của cây lúa. Đặc biệt bà con cần thực hiện việc bổ sung dinh dưỡng đúng lúc và theo cách hợp lý, đồng thời thường xuyên thăm đồng để theo dõi và phát hiện kịp thời các dịch hại có thể xảy ra.

Để ngăn ngừa bệnh đạo ôn cổ bông lúa hiệu quả, ngay từ đầu mùa vụ, bà con cần chú ý chăm sóc cây lúa để lúa khỏe mạnh, bón phân cân đối. Nên bón phân nặng ở giai đoạn đầu, nhẹ hơn ở giai đoạn cuối, tránh việc bón phân quá sớm. Đặc biệt phải rải phân bón đều trong suốt mùa vụ, tăng cường sử dụng phân chuồng hữu cơ, phân lân và phân kali, tránh sử dụng quá nhiều phân đạm.

Cách điều trị bệnh đạo ôn cổ bông lúa

Khi cây lúa bắt đầu xuất hiện các vết bệnh đầu tiên, nhà nông cần ngừng việc bón phân đạm và bón phân qua lá (chỉ bón phân lại khi lá mới mọc và không có vết bệnh). Sau đó, cần sử dụng ngay các loại thuốc bảo vệ thực vật được bộ Nông nghiệp Việt Nam cho phép. Sử dụng thuốc tuân thủ theo nguyên tắc “4 đúng” (đúng thuốc, đúng liều lượng, đúng thời điểm, đúng cách). Nếu ruộng lúa bị bệnh nặng, cần phun thuốc lần hai sau 3-5 ngày.

Khi phát hiện bệnh đạo ôn xuất hiện trên lá lúa, cần phun thuốc phòng bệnh đạo ôn cổ bông trước và sau khi lúa trổ trong khoảng thời gian từ 5-7 ngày. Đồng thời, nên thay đổi loại thuốc sử dụng giữa các lần phun để tránh hiện tượng kháng thuốc. Lưu ý quá trình phun thuốc cần đảm bảo ướt đẫm lá và thân lúa. Nên thực hiện phun thuốc vào buổi chiều để không gây ảnh hưởng đến quá trình phơi màu của lúa.

Bệnh đạo ôn cổ bông lúa nếu không được phòng trừ sớm và hiệu quả rất dễ gây ảnh hưởng nặng nề đến năng suất. Làm thiệt hại nghiêm trọng đối với bà con nông dân  trồng lúa.Vì vậy, quý nhà nông cần thường xuyên kiểm tra, bám sát đồng ruộng để phát hiện và phòng trừ bệnh kịp thời hiệu quả. Bảo vệ tốt cho cây lúa trong mùa vụ, mang đến một vụ mùa bội thu, nâng cao năng xuất. Hy vọng các thông tin trong bài viết trên sẽ giúp ích cho bà con nông dân trong việc phòng trị bệnh đạo ôn cổ bông trên cây lúa.

Quay lại