Sóc Trăng là tỉnh thành đầu tiên hiện thực hóa đề án nông nghiệp hữu cơ tại ĐBSCL
Sóc Trăng là tỉnh đầu tiên ở vùng đất “chín rồng” ban hành Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2021 – 2025 và định hướng đến năm 2030. Sẽ cần thời gian để khẳng định được đề án thành công hay thất bại, nhưng, nếu không có khởi đầu thì chắc chắn sẽ không thể về đích.
Như một xu hướng tất yếu, sản xuất nông nghiệp hữu cơ như đốm lửa được phả những làn gió từ xu hướng tiêu dùng, âm thầm lan rộng trên những cánh đồng miền Tây Nam bộ.
Sóc Trăng không chỉ hô hào bà con sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên giấy, mà dành hẳn 67,7 tỷ đồng để hỗ trợ nông dân, hợp tác xã triển khai các chương trình tập huấn, xây dựng các mô hình sản xuất, tiến tới chứng nhận sản phẩm đạt chuẩn hữu cơ.
Những mô hình triển vọng đạt chứng nhận hữu cơ
Những ruộng lúa bạc màu, năng suất thấp ở khóm 6, phường 7, TP Sóc Trăng khoảng 2 năm trở lại đây đã được thay bằng cánh đồng ngò gai hữu cơ.
Cùng chung chí hướng tạo ra sản phẩm an toàn, 7 hộ dân đã liên kết thành lập Tổ hợp tác ngò gai hữu cơ trên quy mô 2ha.
Tổ hợp tác được Ban quản lý Đề án Phát triển nông nghiệp hữu cơ tỉnh Sóc Trăng hỗ trợ xây dựng quy trình kỹ thuật và tập huấn cho các thành viên phương pháp trồng ngò gai hữu cơ.
Từ đó, việc sản xuất mang lại lợi nhuận rõ nét hơn, nhờ giảm chi phí sản xuất, sử dụng phân hữu cơ với liều lượng cân đối, thay thế các loại phân bón hóa học, thuốc sinh học tạo độ màu mỡ cho đất, cải thiện năng suất và chất lượng nông sản.
Điều quan trọng, nông dân khi trồng ngò gai ý thức tuân thủ quy trình rất cao và có sự giám sát chặt chẽ lẫn nhau.
Hiện, toàn bộ quy trình sản xuất của tổ hợp tác đều sử dụng sản phẩm phân bón hữu cơ và chế phẩm bảo vệ thực vật sinh học. Vật tư đầu vào trước khi sử dụng trong canh tác đều được kiểm tra kỹ lưỡng, đảm bảo đạt các yêu cầu về canh tác hữu cơ.
Ông Điền Lên, Tổ trưởng tổ hợp tác bộc bạch, thời điểm ban đầu chuyển đổi sang canh tác hữu cơ, thành viên gặp rất nhiều khó khăn, do năng suất giảm, việc đầu tư cho sản xuất hữu cơ lại khá cao.
Tuy nhiên sau một thời gian, đất đai dần phục hồi, dinh dưỡng trong đất từng bước được nâng lên. Ngò gai phát triển tốt, kháng được dịch hại, năng suất từ đây dần ổn định.
“Làm ra sản phẩm hữu cơ đã khó, giữ được uy tín với khách hàng còn khó hơn. Điều chúng tôi tâm niệm, trước hết là vì chính sức khỏe của người sản xuất và tiêu dùng, sau đó là phù hợp với xu hướng thị trường. Hơn nữa, sự chênh lệch về giá giữa sản phẩm thông thường và sản phẩm hữu cơ giúp thành viên nâng cao thu nhập. Vì vậy, chúng tôi sẽ liên kết chặt chẽ và thực hiện tốt công tác quản lý để phát triển”, ông Điền Lên chia sẻ.
Nằm trong vùng đất ngập mặn thuộc bán đảo Cà Mau, huyện Thạnh Trị (tỉnh Sóc Trăng) được biết đến với thế mạnh chăn nuôi. Địa hình tương đối bằng phẳng, hệ thống kênh rạch phủ đều khắp huyện là lợi thế để địa phương phát triển trồng trọt, nhất là cây lúa.
Ra đời từ tháng 11/2021, Hợp tác xã Nông nghiệp Vinh Lợi (ấp 15, xã Vĩnh Lợi), có 22 thành viên canh tác 97ha lúa.
Những nông dân trong hợp tác xã vốn có truyền thống hợp tác sản xuất lâu đời và nhiều kinh nghiệm trong sản xuất lúa chất lượng cao như: RVT, ST20, ST24, ST25… Tuy nhiên, việc thâm canh trong thời gian dài, dùng phân thuốc hóa học quá nhiều, nguy cơ nhiễm độc cho những người trực tiếp là rất cao.
Dù đã nhận thấy sự độc hại này, nhưng thời gian trước các thành viên hợp tác xã chưa có phương án cụ thể để thay đổi.
Năm 2018, lần đầu tiên các thành viên bắt đầu tiếp cận và trồng thử nhiệm 5ha lúa theo quy trình hữu cơ. Toàn bộ quy trình canh tác từ bón phân, chăm sóc, bà con phải đảm bảo tuân thủ theo nhiều quy định. Nhất là, việc ghi chép sổ tay canh tác lúa hữu cơ; không được phun thuốc trừ cỏ bờ ruộng và quanh nhà; chống nhiễm bẩn cho lúa. Quá trình phun xịt, rải phân và thu hoạch, vận chuyển, mỗi hộ được cấp một sổ tay, sổ ghi chép và được tập huấn, hướng dẫn 3 lần/vụ.
Bên cạnh đó, để bảo đảm thành viên không vi phạm quy trình canh tác, mỗi nông dân phải kiểm tra chéo các nông hộ khác. Doanh nghiệp đồng hành sẽ lấy mẫu đất, nước và lúa khi trỗ để phân tích dư lượng hóa chất trong sản phẩm.
Năng suất trong những năm đầu canh tác hữu cơ, hầu như rất thấp, chỉ khoảng 4,5 tấn/ha, sau đó tăng dần lên theo từng năm. Riêng vụ đông xuân 2023 – 2024 năng suất lúa đạt 6 tấn/ha, trừ chi phí đầu tư, bà con có lãi khoảng 30 triệu/ha, ai ai cũng phấn khởi.
Hiện nay, diện tích canh tác lúa hữu cơ tại Hợp tác xã Nông nghiệp Vinh Lợi đã được mở rộng lên 70ha. Trong đó, 50ha đã được chứng nhận hữu cơ, diện tích còn lại dự kiến tiếp tục được chứng nhận vào cuối năm 2025.
Trước đó, năm 2021, được sự giới thiệu của nhóm Mekong Organics (Trung tâm nghiên cứu và Phát triển Nông thôn thuộc Đại học An Giang), Hợp tác xã Nông nghiệp Vinh Lợi đã xây dựng thành công mô hình 30ha sản xuất và thương mại lúa gạo hữu cơ theo tiêu chuẩn USDA/EU.
Quay lại